Chùa Pháp Luân
Buddhist Culture Center
13913 S. Post Oak Rd Houston TX 77045 Tel. (713)433-4364 Fax (713)456-2606
Website: www.phapluan.net , email: phapluan@yahoo.com





Lá Thư Mùa Vu Lan


Mùa lễ nào cũng viết thư mời quí Phật tử xa gần với hình thức một thông báo. Năm nay đặc biệt viết như một bức thư bởi vì có nhiều việc cần nói. Tự nhiên khi viết những giòng chữ nầy chợt nhớ tới một kỷ niệm thời ở trại tị nạn Pulau Bidong. Lúc ấy là Rằm Tháng Chạp cùng hai vị thầy bạn lên núi hái hoa trang về cúng Phật. Tiện đường băng ngang khu G tới bãi biển bên kia đồi. Đang ngâm chân dưới nước biển trong mát chợt nghe vị thầy bạn hỏi: Sư cảm nhận thế nào về biển. Bất chợt không biết trả lời thế nào tôi đành cười trừ. Vị thầy ấy lại tiếp tục: Tôi chỉ cảm nhận được biển khi đứng dưới nước nghe từng cơn sóng đập vào chân. Đâu có chổ nào khác ngoài biển cả mà từng cơn sóng ập vào liên hồi bất tận như vậy. Một lần nữa tôi lại cười. Câu hỏi đã bất ngờ mà câu nói sau đó nghe cũng lạ.

Sáu tháng qua tôi cũng mang một cảm giác như vậy về việc xây cất chùa. Trước Rằm tháng Giêng năm nay tôi không hề nghĩ là sáu tháng sau, vào lễ Vu Lan nầy, việc chỉnh trang chùa Pháp Luân hoàn tất. Khởi đầu là tiền sảnh, rồi chánh điện, hội trường, tháp thờ cốt, Phật đài lộ thiên, cổng tam quan. Chỉ việc thiết kế họa đồ có thể mất chừng đó thời gian đừng nói chuyện xây cất, vận động gây quỹ. Chúng ta sẽ nói thêm về chuyện nầy sau, bây giờ hãy nói về đại lễ Vu Lan.


VU LAN


Năm nay chùa Pháp Luân tổ chức đại lễ Vu Lan vào ngày chủ nhật 14-8-2011. Vu Lan là ngày văn hóa truyền thống nói về thâm ân phụ mẫu và cầu siêu độ cho những người đã mất bằng năng lực thập phương Tăng. Tinh thần vu lan là tri ân và báo ân; người hiện tiền cầu nguyện cho người quá vãng; người trong chốn an vui khởi lòng bi mẫn với người trong khổ cảnh.

“Gìn giữ giá trị cao đẹp của truyền thống gia đình tại xứ người” là chủ đề của pháp hội vu lan năm nay. Chư tăng và quí Phật tử sẽ cùng nhau chia sẽ những thuận nghịch về quan hệ cha mẹ con cái trong cuộc sống tha hương. Ngày xưa người ta thường nói nhiều thế hệ sống dưới mái nhà. Bây giờ thường khi mỗi thế hệ một mái nhà và cũng lắm lúc nhiều văn hóa dưới một mái nhà.


Đàn tràng cầu siêu cho thân nhân quá vãng và hồi hướng cho những người đã nằm xuống vì quê hương hay trên đường vượt biên là phần nghi lễ chính của của Vu Lan. Biển Đông trong thời gian qua chứng kiến sự xâm lăng của Trung Quốc và sự hy sinh của những người bảo vệ đất nước. Nhiều năm trước biển Đông cũng chứng kiến làn sóng tị nạn của những người đi tìm tự do. Một số không nhỏ bỏ mình trong phong ba bão táp, hải tặc tấn công hay đói khát trên hoang đảo. Nhiều người ra đi không ai nhớ biết với lời nguyện cầu. Chúng ta không thể để ký ức phai mờ những trang sử bi hùng đó của dân tộc.

Đạo từ và thông điệp vu lan nhắc về hành trình của con Phật giữa đời đau khổ. Đạo từ của Đại lão Hòa Thượng Hộ Giác do chính Ngài ban bố trong ngày lễ. Thông điệp Vu Lan của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Hòa thượng viện Trưởng Thích Quảng Độ ký mang nội dung dấn thân của người Phật tử Việt Nam sẽ được tuyên đọc trong phần chánh lễ.


CÔNG TRÌNH TRÙNG TU CHÙA

Có một điều đáng nhắc về đại lễ Vu Lan năm nay là khi về chùa dự lễ quí Phật tử sẽ thấy kiến trúc ngôi chùa hoàn toàn mới. Khởi sự xây cất tiền sảnh từ Rằm tháng giêng rồi sau đó là chánh điện, pháp xá (hội trường), văn phòng, Phật đài lộ thiên, cổng Tam Quan và tháp thờ di cốt. Sáu tháng không phải là thời gian ngắn nhưng với việc trùng tu toàn bộ ngôi chùa thì quả là kỷ lục. Chỉ ba điểm sau đây cũng thấy là chúng ta đã đi một đoạn đường dài:

Làm xong phần nầy vẽ cho phần kế. Bác Nguyễn Hữu Bằng, kiến trúc sư toàn bộ công trình, đem tất cả tâm thành để xây dựng ngôi Tam Bảo không nhận chút thù lao nào (và còn cúng dường tịnh tài cùng với mọi người). Hơn 80 tuổi với cả đời trong ngành nghề bây giờ Bác dành trọn thì giờ hằng ngày để thiết kế ngôi chùa. Cái khó là làm sao xây được một ngôi chùa vừa mang nét Việt Nam vừa khế hợp với đường nét đặc trưng của Đạo Phật Nam Truyền. Tiền bạc rất giới hạn nhưng làm sao để toàn bộ cơ sở “lột xác”mới mẻ. Thời gian là một thách thức khác: hầu hết làm tới đâu vẽ tới đó. Sáu tháng thật là ngắn ngủi cho một đề án lớn như vậy.

Vận động tài chánh cho từng phần một. Toàn bộ kinh phí chỉnh trang khoảng 400 ngàn Mỹ kim. Chùa không nhiều tiền mà kinh tế đang trải qua giai đoạn suy thoái. Một Phật tử nói rằng phải chi mình sửa chùa thời tổng thống Clinton có lẽ tốt hơn. Tôi cười trả lời nhân duyên của mọi việc thường không nằm trong tính toán của mình. Gia đình đạo hữu Bùi Lang, Diệu Mai cúng dường phần tu sửa đầu tiên của chánh điện (và mái ngói sau nầy). Gd cô Cao Thị Hương cho mượn tiền xây tiền sảnh (chính công trình nầy là động lực đi tới toàn bộ đề án sau nầy). GD đạo hữu Nam ở Âu châu và nhiều Phật tử xa gần (nhiều vị ẩn danh) đã tích cực trợ duyên để hoàn tất. Lễ Thượng Nguyên trong đêm tu học nhiều Phật tử góp phần công đức. Tiệc gây quỹ trong dịp đại lễ Phật Đản kết quả khả quan. Vu lan nầy lại tiếp tục với chương trình vận động tài chánh. Có tiền tới đâu cất tới đó, cần xây cất phần nào thì thiết kế và xin phép phần đó.


Những thắng duyên ngoài dự liệu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào thì sự hưng vong của Phật Pháp nằm ở nhân sự hơn là chùa chiền. Trong ngôi chùa những bậc tôn túc trưởng lão là đại thọ che chở cho tất cả. Đầu năm nay sức khỏe Hòa Thượng Hộ Giác suy giảm đáng ngại trong lúc chùa đang bị bế tắc về việc xin giấy phép xây cất. Đó là một tỉ lệ nghịch. Thời gian chờ đợi trùng tu càng lâu trong khi sức khỏe của Hòa Thượng ngày càng đáng ngại. Nhờ DH Tiến, DH Trang giúp xin phép cuối cùng thành phố Houston cấp giấy phép cho toàn bộ cơ sở và công trình xây cất. Anh Phúc, Louis Construction, cũng nỗ lực để sớm hoàn thành. Bây giờ mọi thứ trôi chảy. Việc xây cất đạt mức độ kỷ lục mà sức khỏe của Hòa thượng bội phần khả quan.

Cái hiện tại làm nền tảng cho tương lai. Ngôi chùa là nơi tu học, tín ngưỡng mà cũng là trung tâm văn hóa. Tại các quốc gia Phật giáo, mái chùa là ngôi nhà chung của xóm làng. Kiến trúc chùa chiền tiêu biểu cho mỹ thuật dân tộc. Tiện nghi ngôi chùa đáp ứng nhu cầu tâm linh, văn hóa, giáo dục. Chùa Pháp Luân bây giờ tương đối đủ cho những phương diện như vậy. Tượng Phật trang nghiêm tôn trí bên trong chánh điện là biểu tượng của đại bi đại trí. Mái chùa mang dáng cách truyền thống Phật giáo từ ngàn xưa. Pháp xá (hội trường) đã được tân trang lại đủ tiện nghi cho các chương trình văn nghệ, hội họp, triển lảm. Những bức tranh trên chánh điện minh họa một số những giai thoại đặc trưng công hạnh hoằng hóa độ sanh của Đức Phật trong lúc những bức tranh tại hội trường tiêu biểu cho nét văn hóa Phật giáo của tứ chúng đệ tử Phật. Pháp xá sẽ được trang bị hệ thống multimedia và tranh tượng để khách thập phương lãnh hội những giáo lý căn bản như thập nhị duyên khởi, tứ diệu đế. Tháp thời di cốt và phòng thờ linh được xây cất trang nghiêm theo nguyện vọng tha thiết của Phật tử xa gần.


TIỆC GÂY QUỸ VÀ VĂN NGHỆ VU LAN

Vu lan là ngày lễ mang nhiều cảm xúc. Ân cha nghĩa mẹ. Sợi dây liên hệ âm dương. Tấm lòng nghĩ tưởng những người trong khổ cảnh. Tình tự đó đồng cảm qua thi ca, âm nhạc. Không ít chùa tổ chức văn nghệ Vu lan. Năm nay tại chùa cũng có chương trình đặc biệt của mùa Vu Lan đầu tiên sau khi hoàn thành việc kiết thiết ngôi chùa.

“Mái Chùa, Lòng Mẹ” là chủ đề của chương trình văn nghệ Vu Lan. Trong một lần nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh điện thoại hỏi thăm sức khỏe Hòa thượng, tôi nhân tiện đề nghị thực hiện chương trình văn nghệ ngày Rằm Tháng Bảy. Cô vui vẻ nhận lời rồi mời thêm các ca sĩ Chí Tâm, Phượng Liên, Giang Tử, Văn Đình, Mai Hoa và Liên Đoàn Hướng Đạo Pháp Luân góp phần. Có những danh ca của làng cổ nhạc tất nhiên có những trích đoạn cải lương cùng với những tiết mục tân nhạc. Cổ nhạc hòa quyện tinh thần ngày Vu Lan cho chúng ta cái đầm ấm, thiết tha của tình người, của công cha nghĩa mẹ. Văn nghệ chính thức bắt đầu lúc 1 giờ trưa.

Tiệc gây quỹ xây chùa. Với tổng số kinh phí gần 400 ngàn Mỹ kim trong thời gian sáu tháng chùa đã mượn của Phật tử 180 ngàn. Số tiền phải hoàn trả trong thời gian ngắn. Vì thế sau tiệc gây quỹ đại lễ Phật Đản bây giờ là tiệc gây quỹ đại lễ Vu Lan. Hình thức gây quỹ là chương trình văn nghệ có ăn uống mỗi vé 30 Mỹ kim. Chùa giữ một số vé bán tại chỗ trong ngày lễ. Công trình xây cất đã xong hiện chỉ cố gắng vận động hoàn trả số tiền đã mượn. Vu Lan nầy một số Phật tử ẩn danh cúng dường chi phí mua thực phẩm nấu cho đại lễ. Phật tử mua vé các bàn xem văn nghệ có dùng cơm mà Phật tử dự lễ không mua vé cũng có cơm khoản đãi trong sân chùa. Cơm trưa sẽ bắt đầu 1 giờ 30 Với những Phật tử đi chùa lâu năm đây là thời điểm lịch sử. Từ sự thao thức tạo cảnh tòng lâm trang nghiêm, u nhã bây giờ đã hiện thực. Nữa năm mà mọi sự thay đổi rất nhiều vượt ngoài tất cả kỳ vọng. Tôi bỗng nhớ lại cảm giác đứng trong nước biển ập vào chân liên tục từng hồi. Cũng như vị pháp lữ lâu ngày không gặp, tôi cảm nhận từng rung động của thắng duyên chạm vào đôi chân mình. Ân lành Tam Bảo vô lượng. Đạo tâm của chư thiện tín xa gần nói sao cho hết. Ôi biển công đức nhiệm mầu.
Ước mong mỗi chúng ta tích cực góp một bàn tay cho ngôi Tam Bảo hoàn thành mỹ mãn.

Vu Lan Tân Mão – viết trong ngày giỗ đầu của Mẹ

Trụ Trì
Tỳ kheo Giác Đẳng



(Chi phiếu xin đề: CHUA PHAP LUAN, QUY XAY CAT)

Muốn biết thêm chi tiết xin liên lạc:
Điện thoại: +1(713)433-4364
Email: phapluan@yahoo.com
Website: phapluan.net

Có thể cúng dường trực tiếp qua chương mục ngân hàng:

BANK OF AMERICA
SWIFT CODE NO. BOFAUS3N

PHAP LUAN BUDDHIST CUTURE CENTER
ACC. 005742968162